Mũi Điện – Phú Yên: Có một ‘Việt Nam thu nhỏ’ nơi cực đông trên đất liền Tổ quốc

TPO - Phú Yên là mảnh đất luôn khiến người ta sửng sốt. Đặt chân tới núi Đại Lãnh, tiến ra Mũi Điện và qua bãi Môn, bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Đó là ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi, là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Tổ quốc, là bãi biển thơ mộng, đẹp đến nao lòng, là ``Việt Nam thu nhỏ`` trong lòng Việt Nam.

Mũi Điện (hay còn gọi là mũi Đại Lãnh) nằm ở Thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km.

Mũi Điện nằm ở kinh độ 109o27'06`` Đông, vĩ độ 12o52'48`` Bắc, cao độ 83,5m, được xác định là điểm cực Đông của Tổ quốc - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Ngọn hải đăng Mũi Điện được dựng lên năm 1890 bởi người Pháp, nhưng có một thời gian ngừng hoạt động trước khi được nước CHXHCN Việt Nam khởi công trùng tu, tôn tạo và thêm các hạng mục mới vào năm 1995, chính thức tái hoạt động từ ngày 3/7/1997 dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ (Cục Hàng hải Việt Nam). Hiện, hải đăng Mũi Điện là một trong tám ngọn hải đăng hơn 100 tuổi của Việt Nam.

Tháp hải đăng Mũi Điện có khối hình trụ cao 26,5m so với nền và 110m so với mặt nước biển. Ngọn đèn của hải đăng sử dụng pin năng lượng mặt trời, có thể phát tín hiệu ánh sáng xa khoảng 27 hải lý (tương đương khoảng 50km).

Thời điểm đẹp nhất để tham quan Mũi Điện chính là lúc bình minh, để được đắm mình trước bầu trời và đại dương bao la, tận hưởng những ngọn gió và tia nắng mặt trời đầu tiên rọi xuống.

Để tới hải đăng Mũi Điện, bạn cần trải qua một chặng đường khoảng 20 phút đi bộ đầy kích thích, với hai bên rợp cây cối, hoa lá và cả tiếng chim. Dưới chân hải đăng có những trạm nghỉ để đón bình minh, bao gồm cột cờ và tấm bia đá granit màu đỏ, khắc dòng chữ: ``Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh). Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam``.

Từ Mũi Điện có thể phóng tầm mắt ra xa và cảm nhận sự hùng vỹ của biển cả mênh mông cũng như núi Đại Lãnh. Khi triều Nguyễn làm Cửu đỉnh (chín cái đỉnh bằng đồng) vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) để đặt trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, núi Đại Lãnh được chọn để khắc hình lên Tuyên đỉnh.

Bên trái hải đăng Mũi Điện là bãi Môn, một bãi biển thơ mộng với cát trắng trải dài đón nhận những con sóng vỗ về. Từ Mũi Điện có một con đường nhỏ dẫn xuống bãi Môn, nơi có một con suối chảy từ núi xuống, qua bãi đá và ra biển.

Giống như phần lớn cảnh quan thiên nhiên ở Phú Yên, bãi Môn còn nguyên vẻ hoang sơ chờ du khách đến khám phá. Cát trắng, biển xanh, nắng vàng, hai bên là rặng núi và một dòng suối mát lành chảy qua những phiến đá, tất cả tạo nên một cảnh đẹp khó tin.

Một điều đặc biệt ở đây, khi nhìn từ trên cao, núi Đại Lãnh, Mũi Điện và bãi Môn kết hợp với nhau tạo thành hình bản đồ Việt Nam trên đất liền.

Sự sắp đặt kỳ diệu của thiên nhiên đã tạo nên một ``Việt Nam thu nhỏ`` trong lòng Việt Nam, khiến Mũi Điện, bãi Môn, núi Đại Lãnh trở thành một kỳ quan có một không hai

Thanh Hải - Như Ý - Xuân Tùng