Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the breadcrumb-navxt domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/tienphon/public_html/wp-includes/functions.php on line 6114
Vũ Tiến Mạnh và câu chuyện đầy cảm hứng về chàng trai khiếm thị đầu tiên chinh phục Tiền Phong Marathon – Tien Phong Marathon

Vũ Tiến Mạnh và câu chuyện đầy cảm hứng về chàng trai khiếm thị đầu tiên chinh phục Tiền Phong Marathon

TPM – Tại Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 – năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024) sắp tới ở Phú Yên có một runner vô cùng đặc biệt. Đó là Vũ Tiến Mạnh, người sẽ trở thành runner khiếm thị đầu tiên chinh phục Tiền Phong Marathon.

Khi xung quanh chỉ là bóng tối, Vũ Tiến Mạnh không bao giờ bị phân tâm vì ngoại cảnh. Chàng trai người Phú Thọ chỉ tập trung vào một việc duy nhất quan trọng: đưa đôi bàn chân không ngừng tiến về phía trước.

Nhưng Mạnh đã chạy hơn 3 tiếng đồng hồ rồi. Cậu chưa bao giờ chạy lâu đến thế, trên hành trình dài đến thế. Vậy mà cậu vẫn phải tiếp tục. Tại giải marathon tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh tháng 11/2023, Mạnh đăng ký chạy full marathon (42km). Đó dường như là một quyết định liều lĩnh, và giờ thì cậu đang lãnh hậu quả.

Đến một lúc, không chỉ đôi chân, toàn bộ cơ thể bắt đầu phản đối. Như Mạnh kể, trong khoảng 5km cuối cậu không còn chút sức lực nào còn đôi mắt chùng xuống. Cơ thể đòi được nghỉ ngơi và trong đầu cậu hiện lên hình ảnh cái giường thân thuộc. Quá đủ rồi. Chân, tay, cơ bắp không muốn làm việc thêm nữa. Đến cả bộ phận tưởng như nhàn rỗi, là tai, cũng thể hiện sự chống đối. Mạnh hoàn toàn không thể nghe được bất cứ điều gì dù xung quanh là vô vàn tiếng hét cổ vũ “Mạnh ơi, cố lên”.

Tuy nhiên trong ý thức mơ hồ, Mạnh biết có rất nhiều người đang chờ đợi cậu nơi vạch đích. Đó là 30 bạn khiếm thị, là các anh chị runner, có những người quen đã lâu cũng có những người mới quen, thậm chí chưa quen. Suốt một tháng qua kể từ khi Mạnh thông báo trên facebook sẽ chạy full marathon, tất cả đều hồi hộp mong chờ khoảnh khắc cậu đặt chân cán đích.

Vũ Tiến Mạnh trên đường chạy ở giải marathon Hạ Long.

Vì vậy Mạnh không cho phép bản thân ngừng lại. Ý chí mạnh mẽ bắt cơ thể phải khuất phục, tay cậu tiếp tục đánh sang hai bên và chân nọ nối chân kia nện xuống mặt đường nhựa.

Khi biết cách đích chỉ còn 100m thông qua tiếng hô của MC, Mạnh như bừng tỉnh và vận động cơ thể vắt hết những giọt sức lực cuối cùng. Rồi thời khắc vỡ òa cũng tới khi chân Mạnh chạm vào thảm chip. Cả ngàn người hét lên ăn mừng trong sung sướng, như thế chính họ vừa làm nên kỳ tích. Còn Mạnh, cậu chỉ kịp trào nước mắt trước khi ngã quỵ, rơi vào tình trạng chuột rút toàn thân.

Phải mất 30 phút hồi phục, Mạnh mới tỉnh táo và tận hưởng thành quả. Giấc mơ đã thành hiện thực. Cậu trở thành người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành cuộc đua marathon. Không những vậy, thành tích đạt được còn vượt xa mong đợi, chỉ 3 giờ 41 phút 12 giây, trong khi cậu từng nghĩ phải mất 3 giờ 45 phút.

Không chỉ cán đích thành công, Mạnh còn đạt thành tích 3 giờ 41 phút 12 giây, tốt hơn nhiều so với mong đợi.

Mạnh bắt đầu chạy từ năm 12 tuổi (2012), khi chuyển lên trường dành cho người khuyết tật tại Thái Nguyên. Trước đó ở Phú Thọ, do thị lực yếu, chỉ nhận biết được những luồng sáng mạnh, bố mẹ hướng cậu học nhạc để sau này mưu sinh bằng nghề đánh đàn đám cưới. Mạnh buộc phải theo, nhưng với một cậu nhóc ham chạy nhảy, việc đứng một chỗ tập đàn chưa bao giờ là công việc yêu thích.

Lên Thái Nguyên, được thầy thể dục hướng dẫn chạy, Mạnh đột nhiên nhận ra rằng còn những con đường khác dành cho người khuyết tật. Sau một năm, được tham gia giải thể thao toàn quốc, đoạt huy chương và một món tiền thưởng, cậu lập tức gọi điện về cho bố mẹ.

“Bố mẹ xem, 5 năm học đàn con không được gì, trong khi chỉ vài tháng học chạy con đã có thành tích, lại cả tiền nữa”, Mạnh hào hứng khoe, thuyết phục bố mẹ cho cậu theo đuổi đam mê chạy bộ. Cuối cùng Mạnh cũng nhận được cái gật đầu.

Bây giờ nhìn lại, cậu cảm giác như mở toang cánh cửa đến tương lai. Còn vào thời điểm đó cậu nào nghĩ xa xôi, chỉ vui vì được làm những gì mình thích, đồng thời tự nhủ cứ tập tốt, chạy bền, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến. Vậy là cứ chiều đến cậu lại lao ra sân trường và miệt mài tập luyện với ước mơ sau này sẽ tỏa sáng như Lê Văn Công (vận động viên Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương Vàng Paralympic).

Vũ Tiến Mạnh trong cuộc trò chuyện với báo Tiền Phong.

Theo năm tháng, cậu nhóc ngày nào đã 24 tuổi và đang trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ. Năm ngoái tại Campuchia, Mạnh là thành viên ĐT điền kinh người khuyết tật Việt Nam tranh tài ở ParaGames lần thứ 12. Trong lần đầu tham dự, cậu xuất sắc giành 3 huy chương Bạc các nội dung 800m, 1.500m và tiếp sức.

Tiếc nuối lớn nhất là việc Mạnh thua đối thủ về nhất nội dung 1.500m chỉ 0,1% giây. Tuy nhiên cậu không thất vọng bởi đã làm hết sức mình. “Với cách biệt rất nhỏ, đôi khi nghĩ đơn giản chỉ cần rướn lên một xíu là thành công, nhưng thành thực mà nói, em không còn cố được nữa. Đây cũng là thành tích tốt nhất của em rồi”, Mạnh chia sẻ với báo Tiền Phong.

Vì vậy, Mạnh sẽ chờ giải lần tới và cố gắng làm tốt hơn. Với cậu, việc được đại diện cho đất nước và đóng góp vào thành tích chung của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam là điều tuyệt vời nhất. “Tại Campuchia thời tiết rất khắc nghiệt, khác xa với môi trường tập luyện hàng ngày. Nhưng vì mang trên mình quốc kỳ Việt Nam, dù khó khăn thế nào em cũng không được phép bỏ cuộc. Em nhất quyết phải về đích, và để làm điều đó, sẵn sàng chạy bằng cả tính mạng của mình”, Mạnh nói.

Ngay trong lần đầu tham dự ParaGames, Mạnh xuất sắc giành 3 Huy chương Bạc.

Khá thú vị là càng ngày, đích của Mạnh càng được kéo dài thêm và phạm vi các giải chạy cũng được mở rộng. Chuyện bắt đầu từ năm 2020, khi pacer (người đồng hành) Phạm Bình Linh liên tục khuyến khích Mạnh bước ra và hòa nhập với cộng đồng chạy bộ, thay vì bó hẹp ở sân tập bên những người cùng cảnh ngộ.

Nhân tiện cũng nói thêm các pacer. Mạnh nói với lòng biết ơn, rằng “họ chính là đôi mắt của em”. “Em sẽ không thể chạy nếu thiếu các tình nguyện viên, những người sẵn sàng bỏ thời gian và công sức để đồng hành cùng em, liên tục nhắc nhở để em chạy đúng lộ trình, đồng thời mô tả khung cảnh để em cảm nhận đầy đủ cung đường đang chạy”, cậu tâm sự.

Mạnh gắn bó với hai, ba pacer, bởi lúc người này bận vẫn còn người kia. Và mỗi khi có pacer trong các buổi tập, cậu cố gắng tận dụng tối đa thời gian, chạy miệt mài đến mức pacer cũng mệt nhoài.

Bằng sự biết ơn, Mạnh nói rằng các pacer, cũng là những tình nguyện viên, chính là đôi mắt, giúp những người khiếm thị như cậu có thể hòa nhập và chạy bộ.

Trở lại với chuyện cách đây 4 năm, Linh nhìn thấy niềm đam mê rực cháy ở Mạnh, sau đó đưa cậu ra ngoài, gặp gỡ các runner trong cộng đồng chạy bộ, đồng thời thúc đẩy cậu tham gia các cuộc thi. Những ngày đầu thực sự là các cuộc đấu tranh trong Mạnh. Như cậu chia sẻ, “thật khó để xóa bỏ cảm giác tự ti, đồng thời luôn lo lắng, không biết mọi người nghĩ gì, đánh giá thế nào về mình”.

Là người khiếm thị đầu tiên tham gia các giải chạy bộ, Mạnh cũng phải đối mặt với những ánh mắt dò xét, lời trêu đùa của các runner khác. Cũng phải thông cảm cho họ, bởi thật kỳ lạ khi trên đường chạy đột nhiên xuất hiện hai anh chàng cứ cầm tay nhau (thật ra là kết nối bằng một vòng dây). Họ nghĩ cặp này chắc “yêu nhau”.

Khi đã vượt qua rào cản tâm lý cùng sự tự ti ban đầu, Mạnh không ngần ngại tham gia lần thứ hai. Và cậu cũng tìm ra giải pháp để loại trừ các rắc rối. Mạnh viết dòng chữ “Người mù thích chạy” bằng tiếng Anh đằng sau lưng áo. Ngoài ra còn kèm câu “Xin cảm ơn”, nhằm tri ân những người đã nhường đường.

Khi biết Mạnh khiếm thị, một sự bùng nổ đã xảy ra trong cộng đồng chạy bộ. Mọi người vào facebook động viên Mạnh, và cũng liên tục cổ vũ cậu trên đường chạy. Ai đi qua cũng hét “Mạnh ơi cố lên”. Một số còn bỏ qua thành tích cá nhân, sẵn sàng đồng hành cùng cậu.

Mạnh và các bạn trong CLB khiếm thị tham gia các giải chạy cự ly dài.

Dần dần Mạnh trở thành một phần quan trọng của cộng đồng chạy bộ, và ngọn lửa trong cậu cũng bùng cháy. Mạnh chạy các cự ly dài hơn. Từ 10km đến 21km rồi như tại Hạ Long, lần đầu tiên cậu chinh phục chặng đường 42km. “Trước đây em chưa một lần dám nghĩ mình sẽ chạy 42km, vậy mà nó đã xảy ra”, Mạnh nói.

Đáng tiếc là ở Tiền Phong Marathon 2024 tới đây tại Phú Yên, Mạnh không thể tái lập thành tích ấy. Vì ngay sau đó là giải điền kinh VĐQG dành cho người khuyết tật, sợ rằng không thể sớm hồi phục, Mạnh chỉ đăng ký cự ly 21km.

“Em đã rất sung sướng khi nhận được thư mời tham dự Tiền Phong Marathon 2024 từ Ban tổ chức. Đây là một vinh dự lớn đối với em”, chàng trai 24 tuổi cho biết, “Em vẫn biết đến Tiền Phong Marathon, một giải đấu có truyền thống lâu đời, vô cùng danh giá và mọi runner đều muốn tham gia. Những lần trước vì trở ngại địa lý chưa thể tham dự, nên lần này em quyết không bỏ lỡ”.

Mạnh, người sẽ trở thành runner khiếm thị đầu tiên chinh phục Tiền Phong Marathon, cũng tưởng tượng cung đường Phú Yên sắp tới hẳn sẽ rất đẹp, với những ngọn gió thổi vào từ biển và cậu có thể nghe được tiếng sóng vỗ, đồng thời cảm nhận ánh bình minh. Cậu cũng được giao lưu với các anh chị em trong cộng đồng chạy bộ, được tiếp thêm cảm hứng từ họ và biết đâu có thể truyền cảm hứng cho những người khác.

Mạnh và CLB chạy người khiếm thị “Blind Runners and Friends” đã và đang truyền cảm hứng cho rất nhiều người, không chỉ là những người cùng cảnh ngộ.

“Với chạy bộ em nhận được quá nhiều thứ, từ sức khỏe cho bản thân đến sự yêu thương của mọi người”, cậu tâm sự, “Em cũng hy vọng tiếp sức thêm cho nhiều người, đặc biệt với những bạn còn đang ngần ngại chạy. ‘Tao như thế này còn chạy được nữa là mày’, em vẫn hay nói với các bạn như vậy”.

Những năm qua Mạnh đã gây dựng được CLB chạy bộ dành cho những người khiếm thị, hiện đã lên đến hơn 40 người (tại Tiền Phong Marathon 2024 có 3 thành viên của CLB nhận được lời mời từ Ban tổ chức). Không chỉ rèn luyện thân thể, tất cả còn thêm yêu cuộc sống và hòa nhập đầy đủ với cộng đồng. Như Mạnh vậy.

Không khi nào chàng trai 24 tuổi này thôi cười, thôi lạc quan. Cậu cũng chưa từng nghĩ cuộc sống của mình khác bình thường vì là người khiếm thị. Thông qua chức năng hỗ trợ giọng nói, cậu vẫn check tin nhắn, lướt facebook, trả lời các bình luận động viên. Và mỗi ngày, giống mọi ngày, tự mình đi ra sân tập, chờ đợi pacer và bắt đầu buổi chạy.

“Trong cuộc sống không gì là không thể, chỉ cần có đủ dũng khí và nhiều đam mê”, Mạnh nói với nụ cười thường trực trên môi.

Thanh Hải