Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the breadcrumb-navxt domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/tienphon/public_html/wp-includes/functions.php on line 6114
Khám phá cầu gỗ Ông Cọp ở xứ ‘hoa vàng cỏ xanh’ – Tien Phong Marathon

Khám phá cầu gỗ Ông Cọp ở xứ ‘hoa vàng cỏ xanh’

TPM – Cầu Ông Cọp nối các thôn phía Bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu (Phú Yên), bắc qua đoạn cửa sông Bình Bá thông ra đầm Ô Loan. Đây được xem là điểm nhấn của xứ “hoa vàng cỏ xanh”, một địa điểm check-in lý tưởng cho các runner khi đến với Tiền Phong Marathon 2024 tại Phú Yên.

Cầu Ông Cọp (huyện Tuy An) dài khoảng 800m thường hư hỏng vào mùa mưa bão, nhưng luôn được người dân địa phương góp tiền dựng lại để thuận tiện cho đi lại.
Người dân địa phương đi qua cầu này rút ngắn khoảng cách khoảng 10km so với di chuyển từ huyện Tuy An qua thị xã Sông Cầu, hoặc đi TP. Quy Nhơn (Bình Định). Cầu gỗ Ông Cọp (hay còn được người dân gọi là cầu Miếu Ông Cọp) là nơi nối liền phía bắc xã An Ninh Tây với thị xã Sông Cầu vốn nổi tiếng với nhiều địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng.
Cầu gỗ Miếu Ông Cọp không chỉ là trục đường giao thông chính cho người dân đi lại mà còn thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh check-in. Mỗi lượt qua lại, người dân đi xe đạp chỉ trả 3.000 đồng, xe máy 4.000 đồng.
Cầu bắt đầu được xây dựng từ năm 1998 với tổng chi phí hơn một tỷ đồng, do ông Nguyễn Phước Thọ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) tự bỏ tiền đầu tư. Sau này có nhiều người cùng góp vốn và quản lý.
Cầu gỗ Ông Cọp nối liền phía bắc xã An Ninh Tây với thị xã Sông Cầu, giống như một “cánh cửa” dẫn đến những địa danh nổi tiếng tại Phú Yên như: Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng, đập Tam Giang…
Vì chỉ thiết kế để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương nên cầu được dựng lên từ gỗ và tre là chủ yếu. Nếu phần tay vịn, thành cầu làm từ tre già thì phần mặt và trụ được làm hoàn toàn từ gỗ ván.
Dưới chân cầu luôn “túc trực” các cây gỗ phi lao, chỉ cần tấm ván hỏng là có thể thay thế sửa chữa ngay để tránh ảnh hưởng đến tình hình giao thông đi lại của bà con. Đến với cầu Ông Cọp, bạn không chỉ cảm thấy an yên bởi sự mộc mạc giản dị của chiếc cầu gỗ mà còn phải trầm trồ bởi khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục tại nơi đây.
Có thời gian đến với cầu gỗ Ông Cọp, các runner dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hết sức giản dị như thế này…
Cầu chỉ được kết cấu các chi tiết bằng kẽm, đinh ốc…
Mỗi cuối tháng 8, đầu tháng 9, các đợt mưa lũ thương làm cầu hư hại nặng…
Một số góc ảnh nên thơ cầu Ông Cọp.

Đến với cầu Ông Cọp, bạn không chỉ cảm thấy an yên bởi sự mộc mạc giản dị của chiếc cầu gỗ mà còn phải trầm trồ bởi khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục tại nơi đây. Mặt hồ phẳng lặng, rộng mênh mông. Đôi lúc vì cơn gió biển thổi qua nên lăn tăn gợn sóng. Rặng cây phi lao phía xa xa chạy dài bạt ngàn tít tắp tạo nên khung cảnh nên thơ lãng mạn. Đôi lúc khi đến đây vào mùa thu hoạch, khai thác, bạn sẽ thấy hình ảnh người ngư dân đánh bắt, cào nghêu, mò ốc cực kỳ bình dị.

Câu chuyện kể về việc ngày xưa khi con người và loài vật có thể hiểu được lời nói của nhau. Một ngày nọ, bà Cọp – Vợ ông Cọp sống trên núi Mỹ Dựa chuyển dạ sắp sinh con. Ông Cọp gấp rút tìm về một bà mụ thường hay đỡ đẻ cho trẻ con trong làng. Dù rất sợ hãi nhưng bà mụ vẫn giúp bà Cọp hạ sinh thành công và được ông Cọp đưa xuống núi an toàn. Sau này, nhớ công ơn của bà mụ nên ông Cọp thường mang xuống sân nhà bà mụ một con lợn rừng. Sau bà mụ chuyển đi nơi khác sinh sống để lập nghiệp, không lâu sau đó thì qua đời. Ông Cọp đều rất buồn bã, cứ những ngày cuối tháng Chạp hằng năm, người ta sẽ thấy dấu chân ông Cọp xuống Hòn Bù để viếng bà mụ. Sau này khi ông Cọp chết đi, người dân vì tưởng nhớ ông Cọp hiền lành lại nhân nghĩa nên đã lập một miếu thờ ông. Cây cầu vì gắn liền với miếu thờ nên cũng có cái tên là cầu gỗ Ông Cọp, hoặc cầu Miếu Ông Cọp.

Hồng Vĩnh – Phạm Nguyễn