TPO – Hơn 200 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cập bến Vũng Rô, vượt qua hành trình gian nan vào sâu trong lòng địch, những chiến sỹ trên chuyến tàu không số năm xưa đã biến điều không thể thành có thể, viết nên câu chuyện huyền thoại và mốc son đầy tự hào trong lịch sử dân tộc.
“Điều ngỡ chỉ có trong tưởng tượng đang hiển hiện trước mặt. Như trong thần thoại, con tàu tựa có phép lạ từ xứ sở xa xăm nào đó bỗng dưng xuất hiện. Nó mang theo nhiều hòm, nhiều bó với những súng những đạn… Người Phú Yên đã thực sự đang cầm khẩu súng trên tay mà vẫn chưa dám tin đó là thật”.
Đọc những dòng trong tiểu thuyết Sóng chìm của nhà văn lão thành Đình Kính, cảm giác của tôi cũng tương tự người dân làng Cát khi chứng kiến tàu không số cập bến Vũng Rô, sau đó dấy lên câu hỏi, làm cách nào mà các chiến sỹ năm ấy có thể tạo ra “phép lạ”?. Mặc dù Sóng chìm mô tả rất chi tiết, nhưng chính nhà văn Đình Kính cũng nói “tiểu thuyết là văn chương”, và “không chỉ là tiểu thuyết phản ảnh”. Vì vậy, tôi vẫn muốn đi tìm câu trả lời, tại chính Vũng Rô.
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Vũng Rô trước kia được gọi là đầm Ô Rô, rộng 10 dặm, trong có đảo Trụ (tức Hòn Nưa), được che chở bởi núi Bàn, “với thế núi cao vút, phía Tây từ Đại Lãnh đến, kéo dài vài mươi dặm, phía Bắc tiếp núi Thạch Bi (núi Đá Bia), phía Đông gối lên bờ biển, lại uốn quanh vào trong che kín vũng biển Vân Phong, thuyền buôn thường đậu ở đó để tránh gió”.
Khi người Pháp tới Việt Nam, họ sớm nhận ra vị trí chiến lược của Vũng Rô. Thời Pháp thuộc, công sứ Bình Thuận Etienne Aymonier trong cuốn Notes sur l’Annam viết rằng “Vũng Rô là nơi trú ẩn tốt và an toàn nhất trong tất cả các mùa” và “có vị trí chiến lược quan trọng vì nằm ở phía nam đèo Cả”, ngoài ra, còn có “một ngôi làng của người An Nam cuối Vũng Rô, nơi có nguồn nước ngọt rất tốt”.
Nhiều thập kỷ sau, chính “ngôi làng An Nam” đó, ngay trong lòng địch, là cơ sở vững chắc của cách mạng. Và Vũng Rô trở thành “nơi trú ẩn” của những chuyến tàu không số, mang theo vũ khí và tình cảm nhân dân miền Bắc dành cho chiến trường miền Nam.
Năm 1961, trong quá trình xây dựng con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông, tức đường Hồ Chí Minh trên biển, nhằm tiếp viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đoàn cán bộ Hải quân do đồng chí Huỳnh Kim và Phan Võ dẫn đầu đã vào Khu V nghiên cứu địa hình, chọn điểm mở bến. Và vịnh Vũng Rô là nơi được lựa chọn. Theo đánh giá, Vũng Rô có diện tích đủ lớn (hơn 16km2), độ sâu trung bình từ 14 – 19m, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng trên 5.000 tấn. Thêm nữa, có nhiều bãi bốc dỡ và các dãy núi bao quanh thuận lợi cho việc trú ngụ và cất giấu vũ khí.
Nhưng địch cũng nhận thức được tầm quan trọng của Vũng Rô, vậy nên bố trí đông đảo quân lực phòng giữ, từ bốt trên đỉnh đèo Cả đến hạm đội, duyên đoàn ngoài khơi và trạm ra đa ở đỉnh Chóp Chài. Tuy nhiên, thách thức cũng chính là cơ hội. Theo Đại tá cựu chiến binh Đặng Phi Thưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, chính vì “khu vực này là vùng cấm và được kiểm soát nên địch sơ hở, mất cảnh giác, ta lợi dụng thời khắc ban đêm đưa tàu chở vũ khí vào bến an toàn”.
Tháng 10/1964, Trung ương giao Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị mở bến tiếp nhận vũ khí. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khi ấy là đồng chí Trần Suyền trực tiếp lãnh đạo tổ chức bến. Ngày 16/11/1964, Tàu 41 thuộc đoàn 125 chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, một người con của Phú Yên, và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy rời cảng Hải Phòng. Tàu ngụy trang thành tàu đánh cá, với một số cá, mực được cung cấp bởi Nhà máy Cá hộp Hạ Long, trong khi lưới trùm lên các khẩu súng 12 ly 7 để khi cần thiết có thể sẵn sàng chiến đấu.
“Lúc đi ngang qua vùng biển Đà Nẵng, máy bay trinh sát của địch phát hiện, nghi ngờ, báo vào bờ. Hai tàu tuần tiễu của địch lao ra kèm song song và chĩa thẳng nòng pháo về phía Tàu 41. Nhờ ngụy trang tốt, lúc đó Tàu 41 mang biển hiệu 412 treo cờ nước ngoài, cho nên tàu địch bỏ mục tiêu chạy vào bờ. Đúng như kế hoạch, 23 giờ 50 phút ngày 28/11/1964, Tàu 41 cập bến Vũng Rô. Phút gặp gỡ giữa cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng của ta có mặt tại bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui sướng”, Trung tá cựu chiến binh Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng LLVTND, nhớ lại.
Đây chính là khoảnh khắc mà nhà văn Đình Kính mô tả là “như trong thần thoại” khi con tàu “tựa có phép lạ bỗng dưng xuất hiện”. Những chiến sỹ kiên trung, với tình yêu nước, lý tưởng cách mạng và sự gan dạ, mưu trí đã biến điều không thể thành có thể, đưa con tàu vượt qua hải trình gian nan cập bến thành công, chính ở nơi mà địch tự tin luôn trong tầm kiểm soát.
Ngay khi tàu cập bến, Ban chỉ huy bến huy động hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, dân công, du kích, thanh niên xung phong khẩn trương bốc dỡ hàng hóa. Trên sông Bàn Thạch, thuyền câu ngụy trang chở vũ khí ngược lên Hòa Mỹ, Hòa Thịnh để dân công đưa hàng vượt dốc Mõ vào Khánh Hòa và lên chiến trường Tây Nguyên.
Ông Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô, cho biết: “bà con tập trung ở bến từ chiều nhưng không biết nhiệm vụ gì. Đến khi nghe nói tàu chở vũ khí miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu V, chúng tôi mừng đến nghẹn ngào”, ông Định kể. “Những khẩu súng, thùng đạn được bọc kỹ bằng nhiều bọc nhựa, rất nặng. Tôi ôm khẩu súng được bao nhựa bọc kín, cảm nhận hơi ấm của hậu phương miền Bắc gửi vào mà thấy thiêng liêng, trào dâng hạnh phúc khó tả”.
Người chiến sĩ Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô năm xưa còn cho biết, “đường Vũng Rô lúc bấy giờ là đường rừng, đèo dốc, dây gai chằng chịt, thú rừng, cọp có thể nhào ra bất cứ lúc nào, nên chuyện huy động kịp thời nhân lực tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí, chuyển vũ khí đến nơi cất giấu, tiếp tục chuyển lên căn cứ, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, nhanh gọn và tuyệt đối an toàn thực sự không đơn giản”.
Đến đêm 25/12/1964, chuyến tàu thứ hai cũng tới nơi, cùng vũ khí còn có ba tấn gạo tặng đơn vị ở bến Vũng Rô đang thiếu lương thực. Rồi ngày 1/2/1965, chuyến tàu thứ ba lần nữa cập bến an toàn đúng vào dịp Tết Ất Tỵ. Như vậy, chưa đầy hai tháng, Tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy đã ba lần cập bến thành công, chi viện hàng trăm tấn vũ khí, thuốc men, đạn dược cho chiến trường Khu V và Tây Nguyên.
Tháng 2/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho tàu C143 do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, chính trị viên Phan Bá Bảng phụ trách vận chuyển 60 tấn vũ khí vào Lộ Diêu (Bình Định). Do tình hình cập bến Bình Định khó khăn nên chuyển sang cập bến Vũng Rô vào 23h ngày 15/2. Sau 4 giờ, hàng được bốc dỡ hết, tàu quay ra nhưng phát hiện tời neo bị hỏng. Không còn cách nào khác, các chiến sỹ buộc phải sửa, đồng thời lấy cành lá ngụy trang cho tàu.
Thật không may, thời gian này máy bay tải thương Mỹ liên tục bay qua nhằm vận chuyển thương binh từ chiến trường Dương Liễu – đèo Nhông (Bình Định). Chúng bất ngờ phát hiện “mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô”. Chúng thả bom xăng, bắn rocket thiêu rụi lớp ngụy trang, trước khi điều động số lượng lớn máy bay, tàu chiến cùng bộ binh trên đèo Cả kéo xuống vây ráp.
Bên ta, các thủy tàu cùng bộ đội, dân quân du kích anh dũng chống trả. “Bằng bất cứ giá nào cũng không để địch cướp tàu”, đêm 17/2, quân ta quyết định phá hủy tàu C143, mang theo bí mật của “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Thanh Hải – Như Ý – Xuân Tùng