TPM – Ở tuổi 86, ngọn lửa đam mê vẫn cháy trong huyền thoại điền kinh Bùi Lương. Và nó sẽ tiếp tục cháy như hành trình của ông với Tiền Phong Marathon, từ những ngày đầu tiên đến tận bây giờ, trải qua 2/3 thế kỷ vẫn trọn vẹn một tình yêu.
Tôi đã rất lo lắng khi trời mưa. Trước đó, ở họp báo Tiền Phong Marathon 2024 (ngày 12/3), chúng tôi có hẹn với cụ Bùi Lương về một cuộc phỏng vấn vào hôm sau, khi cụ thể dục lúc 6h sáng. Thú thực tôi đã rất miễn cưỡng để rời nhà vào cái giờ đó. Và giờ thì trời lại mưa, kiểu mưa phùn mùa xuân không biết khi nào mới dứt. Tôi sợ rằng cụ Bùi Lương sẽ không ra. Dù sao cụ cũng đã 86 tuổi.
Nhưng vừa bước qua cổng công viên Thanh Xuân, chúng tôi đã thấy vóc dáng nhỏ thó của cụ Bùi Lương ở đó, trong bộ đồ thể thao, đôi giày đỏ và cái đầu trần. Vây quanh cụ là những người yêu chạy bộ, già trẻ trai gái đủ cả. Họ chăm chú lắng nghe từng chỉ dẫn của cụ, từ khởi động đến lúc chạy sao cho đúng cách, hay thả lỏng vai ra sao, tay vung thế nào.
Khi tất cả bắt đầu chạy, cụ còn dặn với theo, “cẩn thận mưa trơn, chạy bước ngắn thôi các con”, sau đó mới quay sang tôi, cười nói: “Trừ phi giông bão sấm chớp, chứ mưa to hơn thế này tôi vẫn ra”. Với cụ Bùi Lương, tượng đài điền kinh Việt Nam, chạy là đam mê, “đến chết mới hết chạy”. Không chỉ vậy, trong những năm tháng gắn liền với Tiền Phong Marathon cụ còn tâm niệm, chạy là chiến đấu, là không bao giờ lùi bước.
Từ ngày đầu tiên ấy…
Ngồi xuống chiếc ghế băng, cụ Bùi Lương kể tôi nghe về hành trình dài 65 năm của cụ với Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong. Có những chuyện tôi đã nghe, hoặc cụ đã kể ở đâu đó, nhưng vẫn sống động và tươi mới. Đơn giản vì nó chứa đựng niềm tự hào của người đã trở thành biểu tượng của Tiền Phong Marathon.
Rất lâu rồi, ở tuổi đôi mươi học tập và lao động ở Hải Phòng, trong bối cảnh phong trào thể dục thể thao của học sinh, sinh viên vô cùng sôi động, cụ Bùi Lương chỉ nghĩ chạy để khỏe người. Ai dè ở giải chạy đường dài (5km), cụ về thứ 3, qua đó được tuyển vào tuyển điền kinh Hải Phòng chuẩn bị Giải Việt dã báo Tiền Phong sắp được tổ chức lần đầu năm 1958 ở công viên Bách Thảo (Hà Nội).
“Để gây dựng phong trào, các đội sản xuất, phân xưởng ủng hộ ít nhiều, nhưng anh em tự bỏ tiền túi tập luyện là chính. Nhưng tinh thần rất hăng. Nghe nói giải tầm quốc gia, lại có cả ngôi sao Tiệp Khắc từng 3 lần giành HCV Olympic 1952 Emil Zatopek tham dự, ai cũng háo hức, tập luyện ngày đêm,”, cụ hồi tưởng lại, “Mà ngày ấy cũng không dễ ăn đâu nhé. Bọn tôi phải chạy qua núi Nùng, sang Hàng Đẫy rồi trở về Bách Thảo và vượt ghế đá. Vừa chạy địa hình vừa vượt chướng ngại vật, chung cuộc tôi về thứ nhì sau anh Hoàng Viết Mông. Phấn khởi quá, tôi cứ chạy tiếp đến tận bây giờ”.
Vừa trò chuyện, cụ Bùi Lương vẫn không quên để ý đến các VĐV đang chạy ở công viên Thanh Xuân. Cụ lo lắng họ có thể trượt ngã vì đường trơn, dù phần lớn đều trang bị rất tốt, với những đôi giày có độ bám tốt và chống trơn trượt.
Rồi cụ tiếp: “Xưa trang bị có gì đâu, quần bằng vải diềm bâu, thêm cái áo dệt kim đông xuân. Bọn tôi còn phải lấy bao bột mì, giặt sạch và may thành quần để mặc. Cũng làm gì có giày. Tất cả đều chân đất, mãi về sau mới bata Thượng Đình. Ăn cũng nào có cơm, chủ yếu độn ngô, sắn, sau ngô chẳng có, phải ăn hạt bo bo. Nhớ lại năm 1958, bọn tôi vẫn còn sướng chán so với các anh em Quảng Bình. Không có xe, họ đi bộ từ ấy ra Hà Nội, đến nơi thì giải đã xong. Báo Tiền Phong mới xin ý kiến Ủy ban TDTT, cho họ thi và vẫn tính thành tích.
Vậy là 3 VĐV đội Quảng Bình, sau nhiều ngày lội bộ mất ăn mất ngủ vui vẻ xỏ giày thi luôn. Tôi cùng các anh em khác, bao gồm cả anh hùng Zatopek, cũng chạy theo để động viên họ. Thời ấy chúng tôi chạy vì đam mê, đâu phải vì phần thưởng này khác. Mấy anh em xếp đầu nhận thưởng là đôi dép nhựa Tiền Phong. Riêng tôi được anh hùng Zatopek quý mến, tặng cho chiếc bình pha lê sứ mà tôi vẫn giữ đến tận bây giờ”.
Chạy là chiến đấu
Kể từ lần đầu tiên ấy, cụ Bùi Lương đã tham dự cả thảy 20 lần với tư cách VĐV chuyên nghiệp, vô địch 9 lần trong số đó, bao gồm 8 năm liên tiếp (từ năm 1967 đến 1974). Tất nhiên để giành chiến thắng không hề dễ dàng. Như cụ nói, vì mang tầm quốc gia, Giải Việt dã báo Tiền Phong quy tụ đẩy đủ những VĐV giỏi nhất trên cả nước được tuyển chọn gắt gao. Phải đến lần thứ 4 tham dự (năm 1961 tại Phú Thọ), cụ mới lần đầu nếm trải hương vị chiến thắng.
“Lúc ấy tôi thuộc biên chế đội Quân đội. Khoác trên người màu áo lính, tôi xác định chạy vì miền Nam thân yêu, chạy cũng là một cách chiến đấu tương tự các đồng đội đang ở ngoài tiền tuyến. Vì vậy khi là người chạm đích đầu tiên, không thể kìm nén cảm xúc, tôi khóc ngay, xúc động lắm”, cụ kể.
Chính với tinh thần “chạy vì miền Nam, chạy là chiến đấu” ấy, cụ Bùi Lương cùng các VĐV đã chạy dưới làn mưa bom bão đạn theo đúng nghĩa đen. Trong những năm giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, Giải Việt dã báo Tiền Phong vẫn tổ chức thường niên với số lượng VĐV tăng hằng năm. Các VĐV đang thi, gặp còi báo động nếu thấy hố cá nhân thì tụt xuống, máy bay đi lại leo lên tiếp tục chạy.
“Nhớ năm 1967 khi giải tổ chức ở Hòa Bình, chúng tôi chạy dọc sông Đà thì nghe báo động, chớp mắt máy bay Mỹ đã tới nơi, mặt đất rung chuyển, cát đá tứ tung”, cụ nói, trong dòng hồi tưởng về những năm tháng hào hùng, “Anh em ai cũng lấm lem bùn đất. Một mảnh bom bắn phải ngay trên đầu gối tôi. Khi ấy chỉ còn khoảng trăm mét, tôi mặc kệ máu chảy, vẫn lao về đích và giành chức vô địch. Như tôi chia sẻ, mình là người lính, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không rời bỏ trận địa”.
Ý chí chạy là chiến đấu, cụ Bùi Lương đã gạt nước mắt, xếp chuyện cá nhân sang một bên để ra “trận địa”, tức đường chạy. Đó là năm 1972, cao điểm nhất trong chiến dịch phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, Giải Việt dã báo Tiền Phong tổ chức ở Hà Tây (cũ). Chỉ 3 ngày trước cuộc thi, cụ nhận tin dữ: người yêu ở Hải Phòng trên đường đi làm về dính bom nổ chậm, mất ở phà An Dương.
“Suốt 3 ngày đêm tôi bỏ ăn bỏ ngủ, chỉ khóc vì thương cô ấy. Rồi đến ngày thi, tôi lau nước mắt, chạy bằng tình yêu, bằng sự căm hận đế quốc Mỹ. Về nhất xong, tôi đi luôn Hải Phòng”, cụ nhớ lại.
Tiền Phong Marathon hun đúc ý chí, nghị lực và lòng yêu nước
Nói đến đây, cụ Bùi Lương cũng giải thích lý do tại sao Giải Việt dã báo Tiền Phong lại trở thành giải đấu thể thao lâu đời nhất nước, đồng thời xây dựng uy tín và có sức lôi cuốn như ngày nay. Huyền thoại điền kinh 86 tuổi nói: “Đấy chính là việc giải không chỉ là cuộc thi thể thao, mà còn là nơi rèn luyện lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực cũng như lòng yêu nước. Bản thân tôi cũng trưởng thành hơn từ Giải Việt dã báo Tiền Phong.
Tôi nhớ năm 1966 tổ chức ở Tùng Thiện, Hà Tây (cũ), các VĐV còn mặc quần áo bộ đội, đeo mũ tai bèo và quàng súng, mang đạn để chạy. Điều này mang ý nghĩa mọi tầng lớp nam nữ thanh niên đều sẵn sàng ra tiền tuyến, Tổ quốc gọi là lên đường với khẩu hiệu ‘rèn chân đồng vai sắt, xây ý chí kiên cường, vượt Trường Sơn đánh Mỹ’. Tôi thì bé nhỏ (cụ chỉ cao 1,62m), súng đập vào hông đau quá, thành ra chỉ về nhì”.
Là người đồng hành cùng Giải Việt dã báo Tiền Phong từ năm đầu tiên, cụ Bùi Lương cũng cho biết, thời kỳ ấy giải thường tổ chức vào cuối năm, nhằm hưởng ứng Tuần lễ Thanh niên và Sinh viên Quốc tế (tháng 11) hoặc kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12).
Ở kỳ thứ 18 tổ chức tại Vinh, Nghệ An (năm 1975), giải diễn ra chỉ vài tháng sau khi đất nước thống nhất, với sự tham gia của nhiều VĐV miền Nam nên có tới 300 VĐV. Tất cả đều nô nức tham dự. Cụ Bùi Lương cũng vậy, nhất là năm đó cụ vừa là VĐV, vừa kiêm cả vai trò huấn luyện cho đội Hà Nội. Một trong số học trò của cụ là Nguyễn Viết Lợi.
“Trước giải tôi nói chắc với Lợi, năm nay cậu sẽ nhất, còn tôi cố gắng có mặt ở tốp đầu để chúng ta lấy giải đồng đội”, cụ nói về giải đầu tiên tổ chức khi non sông quy về một mối. Và cụ đã đúng. Giải năm đó Lợi đứng đầu, cụ về ba, và Hà Nội nhất đồng đội nam.
“Duyên hết mới về cõi tiên”
Cho đến năm 1977, Giải Việt dã báo Tiền Phong trở lại Hà Nội, cũng tròn 20 lần tổ chức, cụ về nhì, đồng thời tuyên bố giã từ sự nghiệp. Cụ đi học Đại học, sau đó chính thức bước vào nghiệp huấn luyện và lại tiếp tục đồng hành cùng giải đấu. Suốt nhiều năm cụ giới thiệu không ít VĐV tài năng cho giải cũng như cho điền kinh Việt Nam. Thật khó có thể kể hết các học trò của cụ, từ Đặng Thị Tèo, Lê Văn Hùng, Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Chí Đông, Nguyễn Thị Hòa đến Trần Văn Lợi,
Với vai trò HLV, cụ Bùi Lương luôn cố gắng tìm kiếm và vun bồi nhân tài. Trong một lần rong ruổi, ông vô tình thấy cô thôn nữ đang kéo xe cải tiến đắp đê Phúc Thọ (Hà Tây cũ). Quan sát cô ấy kéo 3 chuyến như không, tôi mới đặt vấn đề, hỏi con có thích chạy không.
Chỉ một tháng sau, với phẩm chất sẵn có cùng sự hướng dẫn tận tình của cụ, cô gái ấy, với cái quần caki bạc phếch cùng chiếc áo sơ mi caro đã về nhất Giải Việt dã báo Tiền Phong năm 1984 tổ chức ở Thanh Hóa. “Xuất thân của chân chạy 7 lần vô địch Tiền Phong Marathon Đặng Thị Tèo là như vậy đó”, cụ cười.
Bây giờ đã nghỉ hưu, cụ Bùi Lương vẫn tiếp tục sứ mệnh truyền cảm hứng trên đường chạy. “Thời buổi ngày nay công nghệ phát triển mạnh, mặt trái là cháu nào cũng cúi mặt vào máy tính, điện thoại”, cụ chia sẻ, “Tôi mong muốn mọi người ra ngoài, rèn luyện thể thao nhiều hơn, vừa tốt cho sức khỏe bản thân vừa tăng cường giao lưu”.
Vì vậy, bất chấp tuổi tác, cụ khi thì tới công viên Thống Nhất, khi đến Thành Công, lúc lại sang Cầu Giấy, lên Hồ Gươm để hỗ trợ các chân chạy phong trào, giúp họ chạy đúng, có chất lượng và với những người sở hữu tốt chất có thể phát triển lên chuyên nghiệp. Lâu nay cụ lấy công viên Thanh Xuân làm “đại bản doanh”, cứ 4 rưỡi, 5 giờ sáng cụ lại ra, rồi có mặt lần nữa lúc 6 giờ chiều. Cụ nói nhiều VĐV đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người vẫn đang đi làm, chỉ có thể tranh thủ.
“Nhiều người ban đầu còn e dè, tôi chủ động tới hỏi han, chỉ bảo cách thức tập luyện, chia sẻ giáo án”, cụ nói, đồng thời cười với các VĐV vừa hoàn thành cự ly buổi sáng ở công viên Thanh Xuân. “Con chào bố”, nhiều người tạm biệt cụ để về nhà, bắt đầu một ngày đi làm, trong khi số khác nán lại trò chuyện, bởi họ đã về hưu và phát triển niềm đam mê chạy bộ.
“Không biết từ bao giờ, mọi người đều gọi cụ Bùi Lương là bố”, ông Phạm Trung Văn, cựu cán bộ quân đội, nói với báo Tiền Phong, “Và cụ đúng như một người bố, chăm lo tự nguyện cho các VĐV từ phong trào đến chuyên nghiệp từng bước đi, bước chạy, cái đánh tay, nhịp thở”.
Chú Trần Mạnh Hùng, người đã nhiều lần tham dự Tiền Phong Marathon, cho biết: “Công ơn của bố nhiều lắm, kể không hết. Nhờ bố uốn nắn, khuyến khích, từ chạy 4h 14 phút ở Lai Châu, tôi chạy chỉ 3h 50, xếp hạng 2 lứa tuổi trên 60 ở Huế năm ngoái”.
Nghe họ nói, cụ Bùi Lương hãnh diện thông báo những học trò này của cụ sẽ tham dự Tiền Phong Marathon sắp tới. “Tôi gắn bó với Giải việt dã báo Tiền Phong còn dài”, cụ cười, “Những năm qua tôi rất mừng khi giải đấu ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn và thu hút nhiều người tham dự. Như tại Phú Yên cuối tháng 3 có đến gần 12.000 người, một con số cho thấy giải đấu được yêu mến như thế nào. Qua đây, thế hệ trẻ không những được rèn luyện thể thao mà tiếp tục hun đúc nghị lực, ý chí phấn đấu và lòng yêu nước”.
Rồi cụ ngâm lại câu thơ tự sáng tác, rằng “Một thời lừng lẫy đường đua/ Tuổi già, sức yếu vẫn chưa muốn về/ Trọn đời sống cứ đam mê/ Duyên thể thao hết mới về cõi tiên”.
“Đấy là chung, còn riêng thì bao giờ duyên với Tiền Phong Marathon hết tôi mới về cõi tiên”, cụ cười lớn, đồng thời hẹn tôi ở Tiền Phong Marathon 2024 ở Phú Yên, cũng là năm thứ 65 cụ đồng hành cùng giải đấu.
Thanh Hải – Trọng Quân