TPO – Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 – năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024) khép lại. Khi nhìn lại, người Tiền Phong có thể tự hào về những kỳ công đã tạo ra.
Mãi đến chiều ngày 4/4, tức ba ngày sau khi Tiền Phong Marathon 2024 kết thúc, anh Nguyễn Huy Hoàng và chị Trần Thị Thu Hà mới về đến Hà Nội, chính thức khép lại hành trình dài 22 ngày tại Phú Yên.
“Nhìn chị chán đời không, trông như cái bang nhỉ”, chị Hà đùa với tôi. Quả thực cái nắng, cái gió khốc liệt của Tuy Hòa đã nhuộm nâu làn da chị, khiến mái tóc chị xác xơ. Tuy nhiên chúng không làm mất đi nụ cười rạng rỡ của chị. Nụ cười tôi đã thấy sau Lễ Thượng cờ tại Bãi Môn, chứa đựng niềm hạnh phúc và cả sự nhẹ nhõm, khi một tuyệt tác được tạo ra sau nhiều ngày lăn lộn.
Đó là quãng thời gian không thể nào quên với những người Tiền Phong. Từ khi mặt trời còn lặn sâu dưới đáy đại dương, nhà báo Vũ Tiến – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, anh Hoàng, chị Hà và nhiều anh chị em khác thuộc đội ngũ hậu cần, Tiểu ban Truyền thông, quảng cáo, nhóm crew (hỗ trợ)… đã có mặt ở khu vực Bãi Môn – Mũi Điện nhằm hiện thực hóa ý tưởng về Lễ Thượng cờ “Tổ quốc trong lòng Tổ quốc”. Họ tiến sâu vào bóng tối để thắp ánh sáng cho hành trình “Dấu chân Mặt trời”.
Thoạt nghe, nhiều người không tin họ có thể làm được. Thử nghĩ xem, tập hợp 3.200 bạn trẻ Phú Yên tại một nơi cách xa trung tâm thành phố hơn 40 cây số đã là một việc khó khăn, sau đó tạo hình Tổ quốc, bên cạnh là màn hình lớn, một cột cờ hoành tráng cùng không gian đủ rộng để trải lá đại kỳ, tất cả thực hiện trên bãi cát hoang sơ không điện, nước và mạng internet, thực sự là điều không tưởng.
Thế nhưng những con người Tiền Phong phi thường ấy đã làm. Không có công nghệ hiện đại hỗ trợ, chị Hà dùng flycam để tính toán tỷ lệ và xác định vị trí. Sau đó, lực lượng hậu cần đóng cọc, căng dây để tạo hình. Vừa làm vừa chỉnh, từ bản nháp sơ sài cuối cùng thành hình Tổ quốc hoàn chỉnh. Để cọc trụ lại khi triều lên, chúng phải được đóng đủ sâu. Đây cũng là một công việc cực nhọc khác, và đầy thách thức.
Luôn đòi hỏi tiêu chuẩn cao và kỹ lưỡng đến từng chi tiết, có những ngày trở về, cảm thấy có điều không ổn, chị Hà sẵn sàng quay lại Bãi Môn ngay trong đêm để chỉnh sửa. Tối đó chị sốt cao. Nhưng hôm sau, tất cả lại thấy chị ở đó, tiếp tục thách thức cái nắng miền trung.
Nhìn vị thủ lĩnh kiên cường ấy, những người còn lại cũng vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng. Là những phóng viên, nhân viên văn phòng thuần túy, nhưng họ không quản ngại công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Ngay cả hoa khôi Huỳnh Trường Vy, một cựu Tiền Phong, người đã bay từ Mỹ trở về chỉ để trở thành một phần của Tiền Phong Marathon 2024, cũng sẵn sàng xông pha dù biết rằng cái nắng khủng khiếp là kẻ thù số một của nhan sắc.
Điều đáng nói là, các công việc khác liên quan đến giải đấu vẫn được tiến hành. Cũng chính những con người ấy quần thảo khắp mọi ngõ ngách ở Phú Yên. Vào lúc này họ ở Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành hay Quốc lộ 29 để tính toán cung đường chạy, cập nhật thông tin, hình ảnh; vào lúc khác lại ở Bãi Môn – Mũi Điện, trân mình trong cái nóng thiêu đốt trên đầu và cát bỏng rẫy dưới chân. Vẫn là họ, tiếp tục xuất hiện tại kho hàng hóa, tiếp nhận, kiểm đếm, phân loại và xử lý gần 800 tấn hàng phục vụ giải đấu.
Thay vì chọn cách dễ dàng là thuê thêm nhân công, những người Tiền Phong đi theo con đường khó khăn hơn: Tự làm mọi thứ. Không phải bởi tham công tiếc việc, càng không phải tiết kiệm chi phí. Đơn giản vì người Tiền Phong muốn đảm bảo tất cả phải chính xác một cách tuyệt đối, và sẽ không an tâm nếu không tự mình làm và xác nhận lại nội dung mình làm.
Trên hết, họ làm vì tình yêu với Tiền Phong Marathon, một giải đấu mà nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong, không ngừng nhấn mạnh, còn hơn cả một giải thể thao. Tiền Phong Marathon còn là hành trình truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Vì vậy, họ chấp nhận dấn thân vào thử thách, chiến đấu với thời tiết oi nóng đến nghẹt thở, với sự mệt mỏi, mất nước, và cả những trận ốm vì kiệt sức, để tạo nên một một giải đấu rực rỡ về mọi mặt, từ Lễ Thượng cờ đến ngày hội chính, từ công tác tổ chức, tuyên truyền đến hỗ trợ các runner trước, trong và sau chạy.
“Chúng tôi không cho rằng công sức đã bỏ ra là sự hy sinh, mà coi đây là trách nhiệm với đất nước, nỗ lực tạo nên một sự kiện để qua đó thắp sáng tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, vun đắp khát vọng vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường”, chị Hà, với tư cách Thường trực Ban tổ chức giải đấu, cho biết.
Sau nhiều đêm đi sớm về hôm đo đạc, chăng dây đóng cọc, sắp xếp các khối hình và điều phối 3.200 tình nguyện viên tạo hình Tổ quốc, khiến da cháy đen, chân phồng rộp, cổ bỏng rát, cuối cùng sự vất vả của người Tiền Phong đã được đền đáp.
Lễ Thượng cờ diễn ra sáng 30/3 trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Hầu hết đều nói rằng họ thực sự choáng ngợp và xúc động, đồng thời dâng trào tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Như cụ Bùi Lương, người đã gắn bó với Tiền Phong Marathon trọn vẹn 65 lần tổ chức cũng phải thốt lên, rằng “thật sự xúc động và đi vào lòng người”.
Cũng sáng 30/3, hình ảnh đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới bên Lễ Thượng cờ, được Tiểu ban truyền thông đăng tải kịp thời, cũng gây sốt trên không gian mạng. Đằng sau đó là một câu chuyện thú vị, đồng thời nhấn mạnh tôn chỉ của báo Tiền Phong là tôn trọng sự thật.
Trên thực tế, cặp đôi Quốc Anh – Huỳnh Anh có mặt một ngày trước khi diễn ra Lễ Thượng cờ, thời điểm Ban tổ chức đang tiến hành tổng duyệt, hiệu chỉnh những chi tiết cuối cùng. Nếu đặt họ vào bối cảnh ngày lễ chính thức đương nhiên hiệu ứng sẽ rất mạnh. Tuy nhiên anh Tùng Dương lưu ý, là người Tiền Phong và trong một giải đấu do chính mình xây đắp, tôn trọng sự thật là tối thượng.
Trải qua hơn 2/3 thế kỷ, Tiền Phong Marathon trở thành giải đấu uy tín và được giới chạy bộ yêu mến chính vì những điều như thế. Để rồi ở lần thứ 65 tổ chức, giải đã trở thành ngày hội lớn với số lượng đông kỷ lục, lên đến gần 12.000 người tham dự.
Ngày 31/3, trong đêm đen, cả vạn người ùa ra từ mọi hướng rồi tụ lại ở Quảng trường 1/4. Đến một lúc, đám đông nhộn nhạo ấy bỗng dưng im bặt, hướng về lá quốc kỳ và cùng đồng thanh hát, với cánh tay đặt lên ngực trái. Không quan trọng bạn là ai và đến từ đâu, tất cả hòa chung lời ca tạo nên một khung cảnh tráng lệ, của niềm tự hào và nhiệt huyết sục sôi.
Rồi sự náo động trở lại. Hơn một vạn người chen nhau dưới vạch xuất phát. Cuối cùng thì Tiền Phong Marathon 2024 đã có thể bắt đầu. Lẫn trong thanh âm rít xé của hàng chục chiếc flycam múa lượn trên đầu là tiếng đếm ngược của MC. Đây rồi, không thể chờ đợi thêm nữa, đoàn người bắt đầu lao đi, nện những bước chân dũng mãnh xuống các con đường thành phố Tuy Hòa.
Gần 12.000 người chạy vào lúc 4 rưỡi sáng, bỏ lại màn đêm sau lưng và tiến về phía bình minh, thật là một cảnh tượng gây choáng ngợp, đủ khiến tất cả phải nổi da gà mỗi khi nhớ lại. Được truyền cảm hứng từ Ban tổ chức, tất cả đã chạy không ngừng. Cho đến khi chạm tay vào ánh mặt trời. Và tận hưởng đỉnh cao mà họ thuộc về.
Còn với những người Tiền Phong, đỉnh cao vẫn chưa tới, khi một VĐV phải nhập viện khẩn cấp vì sốc nhiệt và được tiên lượng xấu. Dù giải đấu đã khép lại nhưng toàn bộ Ban tổ chức vẫn nín thở, theo dõi và cập nhật tình hình liên tục từ bệnh viện. Đến chiều 1/4, tin tốt lành gửi đến: Runner mạnh mẽ của Tiền Phong Marathon 2024 đã hồi phục.
Không ai bảo ai, tất cả đều thở phào, sau đó đứng dậy vỗ tay, mừng cho VĐV, mừng cho giải đấu thực sự thành công trọn vẹn. Không thể chờ lâu, nhà báo Lê Xuân Sơn lập tức bỏ dở tiệc tri ân để tới thăm hỏi, động viên, đồng thời chúc anh sớm trở lại và có mặt tại giải đấu năm sau. Đó chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời khác, những kỳ công khác được Tiền Phong tạo ra.
Trong lúc chờ đợi, những người Tiền Phong có thể tận hưởng thành quả của chính mình. Liên tiếp những lời tri ân của lãnh đạo, người dân Phú Yên, của các vận động viên tham gia giải đấu được gửi về đã xác tín cho một giải đấu thành công.
Chứng kiến nụ cười của nhà báo Vũ Tiến, gương mặt hạnh phúc của chị Hà mới thấy hết tâm huyết của người Tiền Phong. Nhà báo Lê Xuân Sơn đã nói: “Báo Tiền Phong dành cho giải đấu rất nhiều sự quan tâm và tâm huyết. Đặc biệt, Tiền Phong có nhóm thường trực rất mạnh, tìm hiểu rất sâu, khám phá những nét độc đáo về mặt thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa và sáng tạo nên các ý tưởng, sau đó thực hiện với rất nhiều tâm huyết”.
“Thực sự nếu không tâm huyết thì không thể làm được”, Tổng biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh.
Tại Tiền Phong Marathon 2024, những con người Tiền Phong từ nhiều ban chuyên môn, bộ phận đã hợp thành một khối thống nhất, đồng lòng và đoàn kết. Mỗi người đều có một ngọn lửa trong tim, để khi sát cánh cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa lớn. Ngọn lửa mang tên những chiến binh Tiền Phong.
Thanh Hải