TPM – “Năm tháng sẽ trôi đi nhưng sự hy sinh cao cả và cống hiến to lớn của các cô bác, anh, chị cùng với các anh hùng liệt sĩ của quê hương Phú Yên, của Tổ quốc Việt Nam sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất diệt. Sự hy sinh to lớn đó, đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường của quân và dân ta trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay”, nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ.
Trong khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 – năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024), ngày 29/3, tại Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) diễn ra Lễ tri ân, thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ bến Vũng Rô và tàu Không số.
Dự chương trình có: Ông Đào Mỹ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đồng Trưởng Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2024; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh – nguyên Thuyền trưởng tàu Không số C41 anh hùng; nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong, đồng Trưởng Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2024.
Từ sáng sớm, các đại biểu đã tề tựu tại Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô, cùng ôn lại những trang sử hào hùng về tàu Không số, Đường Hồ Chí Minh trên biển nói chung và bến Vũng Rô nói riêng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông. Từ năm 1961 đến năm 1975, Đoàn Vận tải biển 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) với những con tàu Không số có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Vũng Rô là một trong những bến quan trọng tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con tàu Không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu Không số. Riêng chuyến thứ tư cập bến vào tháng 2/1965 đã bị địch phát hiện nên quân ta phá hủy cho chìm xuống biển.
Lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu để bảo vệ các chiến sỹ trên con tàu Không số vượt vòng vây ra Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong trận chiến này, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Ngày 18/6/1997, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Vũng Rô là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Biểu tượng ý chí kiên cường
Tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tàu Không số, các đại biểu thành kính dâng lên những nén hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhà báo Lê Xuân Sơn khẳng định: Lịch sử mãi còn khắc ghi, mỗi chuyến hàng đưa vào đất liền và chi viện cho chiến trường đều thấm máu đào của các chiến sĩ trên các tàu và trên các bến. Các cô, bác, các anh, các chị đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước được độc lập, cho dân tộc được tự do.
“Trước linh các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ, mãi biết ơn và nguyện noi gương các cô bác, anh chị cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho đất nước, quê hương. Chúng tôi nguyện noi theo cuộc đời trọn đạo hiếu trung của các cô, bác, anh chị, nguyện cống hiến hết mình cho quê hương Đông Hòa, quê hương Phú Yên và Tổ quốc Việt Nam, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, cường thịnh”, nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ.
Hồng Vĩnh – Hoàng Mạnh Thắng – Toan Toan – Xuân Tùng